Danh mục Thứ Sáu, 17/05/2024

Tiêu điểm \

Tháo gỡ nút thắt trong giáo dục STEAM bậc mầm non

18:48 01-05-2024
STEAM là một phương pháp giáo dục khoa học, tiên tiến và thông minh. Tuy vậy, việc áp dụng STEAM vào chương trình dạy học là một điều không hề dễ dàng, đặc biệt với giáo viên bậc mầm non. 
STEAM (Science, Technology, Engineering, Arts and Mathematics) là một phương pháp giáo dục đa ngành, kết hợp các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học nhằm khuyến khích, khơi gợi sự sáng tạo, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Đây được coi là một trong những phát kiến mang tính đột phá trong lĩnh vực giáo dục thế kỉ 21. 


Hiệu quả dễ dàng nhưng áp dụng khó khăn 

Sau nhiều năm nghiên cứu, STEAM đã chính thức được áp dụng trong chương trình dạy học ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, NewZealand, Israel,... Tại Việt Nam, giáo dục STEAM bắt đầu xuất hiện vào năm 2012 và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục STEAM ở Việt Nam. Ở bậc mầm non, mặc dù không bắt buộc áp dụng đồng bộ, rộng rãi trong cả nước, nhưng nhiều cơ sở giáo dục đã đưa STEAM vào chương trình giảng dạy và áp dụng trong nhiều tiết học của trẻ. 

Việc áp dụng phương pháp giáo dục STEAM vào bậc mầm non mang lại rất nhiều lợi ích tích cực cho trẻ nhỏ. Phương pháp này giúp xây dựng nền tảng cho sự phát triển của trẻ trong tương lai với các kỹ năng quan trọng như tư duy logic, sáng tạo, giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó giáo dục STEAM khuyến khích trẻ nhỏ học tập tích cực, xây dựng kỹ năng đa ngành, đồng thời tăng cường khả năng hợp tác và giao tiếp. 

Chỉ mới áp dụng STEAM vào giảng dạy vào đầu năm học 2023 - 2024, cô Nguyễn Thị Minh Giang - giáo viên Trường mầm non Thúy Sơn tỉnh Ninh Bình thấy rõ hiệu quả của phương pháp giáo dục này: “STEAM là một phương pháp giáo dục hiện đại. Giáo viên chỉ là người chính xác hóa lại kiến thức mà trẻ tìm ra, khác hẳn với phương pháp truyền thống, cô cung cấp kiến thức mới và trẻ lĩnh hội một cách thụ động”. Cô chia sẻ rằng với phương pháp này, trẻ vô cùng hào hứng và sôi nổi trong mỗi tiết học. Được lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, trẻ ghi nhớ rất lâu và có thể nói ra được những gì mà các em trải nghiệm.

Trẻ hứng thú với tiết học STEAM thực tế của cô Giang. (Ảnh: NVCC) 

Tuy nhiên, để có được những tiết học STEAM thành công, cô Giang cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong thời gian đầu khi tìm hiểu về STEAM, cô chỉ hiểu về mặt lý thuyết, nhưng khi bắt đầu đưa những lý thuyết đó vào việc xây dựng giáo án lại xuất hiện nhiều khúc mắc, có khi phải sửa đi sửa lại đến 4-5 lần. 

Trẻ chủ động học hỏi, tìm hiểu trong tiết học STEAM. (Ảnh: NVCC)

Được sự chỉ đạo từ cấp trên, cô Loan - giáo viên của Trường mầm non Yên Cường, tỉnh Nam Định cũng bắt đầu tìm hiểu và áp dụng chương trình STEAM vào giảng dạy. Cô là một trong hai giáo viên được trường cử đi tập huấn chương trình STEAM. Thế nhưng, do lần đầu được tiếp xúc với khái niệm STEAM, mà buổi tập huấn lại diễn ra trong 1 ngày rưỡi ngắn ngủi, nên mặc dù là giáo viên mang tiếng được đào tạo, nhưng khi trở về, cô Loan vẫn cảm thấy vô cùng hoang mang: “Sau khi được đi đào tạo về cô vẫn còn phải tìm hiểu rất nhiều trên mạng thì mới có thể hiểu được khái niệm STEAM là gì, chứ chưa nói đến là áp dụng.” 

Mâu thuẫn giữa “cũ” và “mới” 

Với một buổi rưỡi tập huấn chóng vánh, những kiến thức vừa mới lạ, vừa khô khan, giáo viên trẻ tiếp thu đã khó, những giáo viên lâu năm đã quen phương pháp giáo dục cũ lại càng cảm thấy khó khăn hơn. Chính vì có nhiều năm trong nghề, lại chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với chương trình mới lạ như STEAM, nhiều cô giáo đều bày tỏ sự bất lực :”Trường có 10 giáo viên thì đến 9 là giáo viên già thì lấy đâu ra cơ hội để biết mấy cái này? Giáo viên trẻ các bạn ấy năng động, nhạy bén hơn các cô. Còn các cô, bản thân mình học mãi còn không hiểu STEAM nó là cái gì thì làm sao mà áp dụng được cho học sinh?” - Cô Dương, giáo viên đã có thâm niên hơn 20 năm tại một Trường mầm non trên địa bàn tỉnh Nam Định chia sẻ. 

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Ths Lê Bích Hồng - chuyên gia giáo dục STEAM mầm non cho rằng đây là vấn đề tồn tại chung ở tất cả các trường mầm non, bởi bất cứ giáo viên nào khi tiếp cận nội dung giáo dục mới mà không được đào tạo một cách bài bản hoặc không được tập huấn kỹ càng đều có tâm lý cảm thấy khó khăn. Lâu dần, họ cũng không dám làm vì sợ bị đánh giá, sợ làm bị sai. 

Sự e ngại này cũng từng được các giáo viên thể hiện rõ khi Bộ giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường trong những năm gần đây. Ngày 18/01/2019, trong Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT, có điều khoản “Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định”. Quyết định này nhằm từng bước khuyến khích giáo viên sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành. Tuy nhiên sau đó, các giáo viên vẫn không thay đổi thói quen này vì sợ sai sót. Tại nhiều Sở, Phòng giáo dục tại địa phương chưa xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết khiến tâm lý càng e ngại hơn. 

Ngoài ra, các giáo viên có thâm niên thường ít nhạy cảm với những công nghệ mới. Do đó, họ thường bị hạn chế trong việc chủ động tìm hiểu thông tin về STEAM hay tham gia vào các nhóm trao đổi kiến thức. “Vì vậy khi tiếp xúc với cái mới, họ luôn tồn tại những nhận thức sai lệch như: Chương trình mới thường chỉ dành cho những trường mầm non có điều kiện tài chính; dạy STEAM phải có đồ dùng STEAM, phải có đồ chơi, trang thiết bị STEAM. Chính những suy nghĩ này khiến họ e ngại từ khi tiếp cận” - Ths. Lê Bích Hồng giải thích.  Trong khi đó, trên thực tế, phương pháp STEAM chỉ cần vận dụng những đồ vật, đồ dùng quen thuộc và xuất hiện hằng ngày xung quanh trẻ. 

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cảm thấy mâu thuẫn giữa phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp giáo dục STEAM. Nếu như thói quen dạy học theo truyền thống, giáo viên chính là trung tâm “dạy” trẻ có kiến thức về khoa học, “dạy” trẻ vẽ, nặn, xé dán … theo mẫu, ngược lại, trong phương pháp STEAM trẻ lại là người làm chủ hoạt động, “tự” khám phá, “tự” viết phiếu ghi chép khi nhìn thấy hiện tượng gì đó xảy ra. “Lúc đó giáo viên sẽ nghĩ là: Ôi làm sao mà trẻ con làm được? Giáo viên sẽ không tin trẻ con làm được. Họ sợ trẻ con không làm được nên cô sẽ làm hộ, làm mẫu.” - cô Hồng chia sẻ. 

Chính bởi những suy nghĩ đó, trẻ sẽ trở nên bị động, không phát huy được các kỹ năng cần thiết như: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo,... Các sản phẩm tạo hình của trẻ chỉ mang tính cá nhân, mang tính chất trưng bày và đặc biệt là chưa có kế hoạch cũng như sự cải tiến sau khi tạo ra sản phẩm. Đồng thời, các giáo viên cũng không thể bứt phá, bị giới hạn sự phát triển chuyên môn, mất đi sự tương tác, kết nối với học sinh vì các tiết dạy bị động, thiếu phản hồi và sự cải tiến. 

Để “mỗi giáo viên là hạt nhân STEAM” 

Với kinh nghiệm gần 10 năm áp dụng phương pháp STEAM vào dạy học, chuyên gia giáo dục STEAM mầm non, Ths Lê Bích Hồng cho rằng cần phải giúp giáo viên phá vỡ được những rào cản, loại bỏ những mâu thuẫn còn tồn tại bên trong họ: “Giáo viên có thể linh hoạt xem xét để đưa những vật dụng thường ngày xuất hiện trong cuộc sống xung quanh trẻ để áp dụng vào chương trình giảng dạy cho trẻ. Ví dụ như: Trẻ con làm đèn giao thông, ô tô tái chế từ vỏ sữa; bé tập bó chổi rơm,…” 

Chuyên gia giáo dục STEAM mầm non, ThS. Lê Bích Hồng. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, bộ giáo dục, các tổ chức giáo dục, các trường học cần tổ chức đồng bộ và thường xuyên hơn những buổi tập huấn, đào tạo chương trình STEAM đến tất cả các giáo viên. Ngoài việc truyền đạt kiến thức trên giáo trình, sách vở, cần giúp giáo viên mầm non thực hành nhiều hơn để hiểu sâu hơn, từ đó có cơ sở để họ sáng tạo hơn trong việc xây dựng giáo án dựa trên phương pháp giáo dục STEAM. 

Đồng thời, việc phổ cập công nghệ thông tin, internet và các trang mạng xã hội tới các giáo viên mầm non cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Với riêng bản thân mỗi người giáo viên cần phải chủ động tiếp cận, bồi dưỡng kiến thức về giáo dục STEAM dưới nhiều hình thức khác nhau như: Học tập qua các lớp học chuyên sâu, học qua Internet, học qua bạn bè đồng nghiệp, học qua các kênh phương tiện truyền thông đại chúng như: Facebook, Zalo, Google Meet,... để “mỗi giáo viên là một hạt nhân STEAM”. 

Cuối cùng, điều quan trọng là các giáo viên cần có một tình yêu nghề và đam mê với nghề để có thể sẵn sàng mở lòng tìm hiểu, học hỏi, giúp các mầm non tương lai có cơ hội được học tập với một nền giáo dục tiên tiến và thông minh hơn.

Thu Duyên - MĐT K41

Phản hồi