Danh mục Thứ Sáu, 17/05/2024

Tiêu điểm \

Life Coaching: Không phải chuyên gia tâm lý, diễn giả truyền cảm hứng hay người chữa lành 

10:31 01-05-2024
Khái niệm “life coaching” đến nay vẫn còn khá mới tại Việt Nam. Có người gọi là chuyên gia cố vấn, tham vấn tình yêu, hôn nhân gia đình, người khác lại gọi là trị liệu tâm lý, tư vấn chữa lành các mối quan hệ… Vô vàn cái tên được nêu ra, thế nhưng ít ai nhận thức và hiểu rõ về bản chất của công việc này. 

Giải mã những lầm tưởng về công việc “life coaching”

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự mơ hồ, mông lung trong việc định nghĩa nghề life coaching, chị Mai Quỳnh Giang - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục & phát triển con người cho rằng phần lớn sự hiểu nhầm xuất phát từ nhận thức của khách hàng. Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, những khái niệm về life coaching xuất hiện tràn lan, gây nhiễu thông tin, thậm chí “chèo lái” ý nghĩa khác với nguồn gốc thật sự của công việc này. 

Chị Mai Quỳnh Giang đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục & phát triển con người. (Ảnh: NVCC) 

Theo chị, life coaching là một người khai vấn trong cuộc sống, giúp khách hàng hay những người mình tiếp xúc có cơ hội khai mở nhận thức, kiến thức, tư duy nhằm tháo gỡ những khúc mắc, vấn đề của bản thân. Song, tính chất công việc của các “huấn luyện viên” sẽ không giống nhau. Cùng là life coaching nhưng người được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ hành nghề của các liên đoàn quốc tế sẽ khác với life coaching tự xưng, tự phong. 

Huấn luyện cuộc sống bắt đầu trở thành xu hướng từ cuối năm 2019, đầu năm 2020. Đây cũng là thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, cuộc sống của con người dường như bị đảo lộn. Cách ly, thay đổi trong thói quen sinh hoạt cùng hàng loạt những biến động về tài chính, sức khỏe, công việc, mối quan hệ xung quanh… khiến con người phải đối mặt với những tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Từ đó, nhu cầu được chữa lành, được động viên, định hướng ngày càng trở nên phổ biến, mạnh mẽ hơn, không phân biệt độ tuổi, giới tính, địa vị xã hội.

Vì vậy, trong quá trình theo đuổi công việc đặc biệt này, chị Giang có nhiều cơ hội tiếp xúc, lắng nghe câu chuyện của khách hàng, đồng thời đúc kết lại vấn đề của họ một cách logic nhất, giúp họ tìm ra nguyên nhân cốt lõi bên trong. Có khách hàng là các bạn sinh viên mới ra trường, đi làm khoảng 2 - 3 năm; có người đang ở độ tuổi trung niên, gặp vấn đề trong hôn nhân, mối quan hệ gia đình. Thậm chí, những người lớn tuổi (ngoài 50 tuổi) đã có thành tựu nhất định, song vẫn chưa thực sự tìm được ý nghĩa của cuộc sống, họ tìm đến chị để được hỗ trợ, khai vấn.

Dù đối tượng khách hàng khá đa dạng, thường không giới hạn về độ tuổi nhưng nếu xét về giới tính, chị Giang nhận thấy họ đa phần là nữ giới. Chị cho rằng, phụ nữ sẽ có xu hướng cởi mở hơn khi tìm đến life coaching. Họ thường là người có những trục trặc trong công việc, buồn phiền do tác động của môi trường xung quanh. Tập khách hàng mà chị Giang thường hỗ trợ là những người gặp vấn đề về hôn nhân, tình cảm.

“Nghề hái ra tiền?”

Life coaching là một nghề khá mới nhưng được đánh giá có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát thường niên của câu lạc bộ Coach Hà Nội, 49% chuyên gia khai vấn chưa có thu nhập, 12% thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng/tháng; 4% có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/tháng; 3% thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng.

Life Coaching là xu hướng công việc mới xuất phát từ nhu cầu được định hướng của con người. (Ảnh: NVCC) 

Theo góc nhìn của chị Quỳnh Giang, thu nhập đối với nghề life coaching không có một mẫu số chung cụ thể cho tất cả các khai vấn viên. Nó sẽ tuỳ thuộc vào hình thức làm việc: theo hướng độc lập, tự xây dựng thương hiệu, tìm tệp khách hàng riêng hay làm cho một tổ chức, cơ sở đào tạo. Ngoài ra, thu nhập còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm túc, đầu tư cho công việc. Nếu chỉ lựa chọn life coach như một nghề tay trái, ngoài khung giờ làm việc chính, chỉ gặp gỡ khách hàng khi được đặt lịch thì mức thu nhập sẽ thấp hơn so với những người làm toàn thời gian.

Có kinh nghiệm hoạt động 2 năm trong ngành life coaching, chị Giang chia sẻ, hiện tại, phí đào tạo, huấn luyện sẽ tính theo giờ, trung bình khoảng 2 triệu đồng/giờ. Bên cạnh đó, cũng có những trung tâm, cơ sở đào tạo thu phí theo lộ trình với các gói dịch vụ đa dạng về mặt thời gian, hình thức tổ chức, số lượng tham gia…

Life Coaching - Mảnh đất giàu tiềm năng

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng chịu một phần ảnh hưởng. Theo quan sát và đánh giá của chị Quỳnh Giang, hiện tại, life coaching vẫn tồn tại nhưng chưa thực sự tạo được bước đột phá và bùng nổ. 

Tuy nhiên, dự kiến từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025 sẽ là thời điểm life coaching có nhiều cơ hội phát triển khi con người gặp phải nhiều vấn đề, tổn thương về mặt kinh tế, tài chính và tinh thần. Với tầm nhìn của mình, chị Giang định hướng trong tương lai sẽ tập trung kết nối, xây dựng cộng đồng, mở rộng kiến thức và trau dồi thêm các kỹ năng cần thiết để đồng hành, hỗ trợ cho khách hàng tốt hơn, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ của mình.

Biết đến life coaching từ khoảng thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bạn trẻ Nguyễn Ngọc Thuỳ Linh (20 tuổi - sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) chia sẻ “Tôi tự cảm thấy bản thân mình có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, cũng biết mình còn thiếu và cần bổ sung những gì, nhưng nhiều khi, việc ưu tiên vấn đề nào để giải quyết trước lại khiến tôi phải suy nghĩ khá lâu. Hoặc, đôi khi, trong cuộc sống, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả nhận được không tương xứng dẫn đến mất định hướng, điểm mạnh không được phát huy, điểm yếu không được khắc phục. Những lúc này, tôi tìm đến life coaching để được khai vấn, định hướng con đường phát triển tốt nhất cho bản thân”.

Thuỳ Linh cho rằng, chấp nhận đầu tư một số tiền lớn, có thể lên đến 3 - 5 triệu đồng/gói dịch vụ để được coaching 1:1 vẫn hoàn toàn xứng đáng với kết quả nhận được.

Hiện nay, nghề coach được chia làm hai nhánh chính theo chuẩn ICF (Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế): huấn luyện cuộc sống và huấn luyện doanh nghiệp. Vì vậy, nó không chỉ được áp dụng cho từng cá nhân, hỗ trợ các trường hợp đơn lẻ, nó còn được các doanh nghiệp đưa vào chương trình đào tạo, định hướng công việc hay quản lý nhân sự. Từ góc nhìn của người đứng đầu doanh nghiệp, chị Nguyễn Vũ Thuỳ Linh (Giám đốc Học viện Đào tạo thiết kế đồ hoạ 3D Lumina Academy) thường xuyên lựa chọn các khóa học life coaching dành cho nhân viên.

 Huấn luyện doanh nghiệp bao gồm huấn luyện tinh thần khởi nghiệp, tố chất lãnh đạo, cách làm việc với lãnh đạo cấp cao… (Ảnh: NVCC)

Chị Linh khẳng định, việc áp dụng life coaching vào đào tạo nhân sự sẽ giúp họ có được tư duy mới, dám bứt phá ra khỏi vùng an toàn, có năng lượng để làm việc hiệu quả. Thời điểm chị lựa chọn để định hướng cho các nhân viên sẽ là khoảng cuối năm để sẵn sàng cho một năm tài chính mới hoặc khoảng giữa năm khi nhận thấy cần thiết phải bỏ ra một khoản đầu tư về mặt kiến thức, tư duy, năng lượng cho nhân viên để đạt được kết quả mong muốn.

Có thể thấy, life coaching không chỉ cung cấp giải pháp cho cá nhân mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc định hình phong cách, phát triển và duy trì mối quan hệ hài hoà giữa các bộ phận, thành viên. Muốn làm được những điều này, bản thân các huấn luyện viên cần trải qua các khóa đào tạo chuyên nghiệp, có lộ trình học tập và phát triển nghề nghiệp, tránh việc gây nên những biến tướng, hiểu lầm không đáng có về life coaching.

Tú Trinh - MĐT K41

Phản hồi